Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

“Ðánh sập” trang web bán giấy khám sức khỏe giả

Một trang web với tên gọi “Giấy khám sức khỏe Hà Nội” đã được một số đối tượng lập ra nhằm thu lợi bất chính từ việc bán các loại giấy tờ giả như: giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, xác nhận nằm viện... với giá cực bèo vừa bị cơ quan công an triệt phá. Đáng lo ngại, không chỉ từ quan niệm, nhận thức giản đơn của người dân khiến cho các đối tượng phạm tội có “đất” để hoạt động mà tình trạng sử dụng giấy khám sức khỏe giả còn gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở khám chữa bệnh.

Đối tượng Đào Đức Hải và các loại giấy tờ giả được cơ quan công an thu giữ.

Từ mắt xích đến lập đường dây “kinh doanh” riêng

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP. Hà Nội vừa phá thành công đường dây sản xuất giấy tờ giả. Cụ thể, các trinh sát Đội phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12), Phòng CSHS nắm bắt thông tin về đường dây sản xuất giấy khám sức khỏe tại Hà Nội vào những ngày cuối tháng 12/2015. Qua điều tra xác minh, trinh sát xác định Đào Đức Hải (59 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy); Phạm Ngọc Huê (23 tuổi, ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) và Nguyễn Quốc Việt (25 tuổi, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) là thủ phạm sản xuất giấy tờ giả. Ban đầu, Huê và Việt là những mắt xích trong đường dây sản xuất giấy tờ giả của Hải. Sau này, Huê và Việt tách ra thành lập một đường dây riêng để thực hiện hành vi phạm tội. Tại nơi ở của Hải ở phường Dịch Vọng, lực lượng trinh sát phát hiện và thu giữ được nhiều loại giấy tờ của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (GTVTTW) cùng các con dấu của bệnh viện này. Qua đấu tranh, Hải khai nhận đó là con dấu giả, Hải sử dụng để làm giả các loại giấy khám sức khỏe. Ngoài ra, Hải còn hình thành được một đội ngũ chân rết, bán hàng thuê cho anh ta, trong số đó có Huê và Việt. Vì không có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh nên cả hai đã cộng tác với Hải để mua bán giấy tờ giả. Ban đầu, Huê và Việt đi giao giấy khám sức khỏe giả cho Hải, nhận tiền công 30 nghìn đồng/lượt. Sau này, thấy lợi nhuận của việc mua bán giấy tờ giả, Huê cùng Việt tách ra làm ăn riêng. Để thực hiện hành vi phạm tội, tháng 11/2015, Huê và Việt lập trang mạng “Giấy khám sức khỏe Hà Nội” và đăng số điện thoại của mình lên đó để giao dịch. Sau khi mua các loại giấy tờ của Hải được đóng khống dấu giả đề tên Bệnh viện GTVTTW và dấu giả chức danh các bác sĩ với giá từ 10 nghìn đến 60 nghìn đồng/tờ, Huê và Việt bán cho khách hàng với giá thỏa thuận từ 60 đến 180 nghìn đồng/tờ. Toàn bộ phần nội dung trên giấy khám sức khỏe, đều do Huê và Việt tự ghi. Nếu khách cần mua giấy khám sức khỏe có dán ảnh và đóng dấu giáp lai ảnh, Huê và Việt yêu cầu khách cung cấp tên, tuổi và ảnh để các đối tượng viết nội dung, giả mạo chữ ký bác sĩ, dán ảnh của khách vào giấy tờ khám sức khỏe giả, rồi đưa cho Hải xử lý phần khó là “cộp” dấu giáp lai vào ảnh. Với những loại giấy tờ này, Huê, Việt thu của khách từ 140 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/tờ.

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Đào Đức Hải (59 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện hành vi phạm tội của các đối tượng đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Hệ lụy từ giấy khám sức khỏe giả

Giấy khám sức khỏe được dùng trong rất nhiều lĩnh vực và là một phần không thể thiếu trong các hồ sơ xin việc làm, xin cấp bằng lái xe ôtô các loại... Thế nhưng, trên thực tế, việc sử dụng, quản lý và cấp giấy khám sức khỏe hiện nay còn bộc lộ nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Đáng lo ngại, những tờ giấy khám sức khỏe giả có tác hại một cách khôn lường đối với người lao động và cả người sử dụng lao động. Một số ngành nghề đặc thù yêu cầu đòi hỏi phải có đủ điều kiện sức khỏe... Với các giấy khám sức khỏe giả, người lao động khi bị phân công làm trong môi trường công tác không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính họ.

Liên quan đến tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe, Bộ Y tế có Công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; y tế các Bộ, ngành về việc quản lý công tác khám sức khỏe. Theo đó, để công tác khám sức khỏe trên toàn quốc được triển khai chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của người đến khám sức khỏe và người lao động, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động khám sức khỏe tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe của các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc đột xuất; kiên quyết xử lý đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động khám sức khỏe hoặc xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cơ sở khám sức khỏe không đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hoặc lực lượng công an trên địa bàn để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những đối tượng có hành vi mua, bán giấy khám sức khỏe trong cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

Ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức. Khi khám sức khỏe phải đến các cơ sở y tế và các bệnh viện có uy tín, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định. Có như vậy, mới hy vọng hạn chế được tình trạng mua bán, sử dụng giấy khám sức khỏe giả và những hệ lụy đáng lo ngại đằng sau đó.

Thế Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét