This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Tạm đình chỉ công tác 3 công an bị tố đưa và nhận hối lộ

Người tố cáo là ông Trần Minh Lợi, ngụ tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) phản ánh: ngày 15/1/2016, Công an huyện Đắk Mil bắt được 6 đối tượng đang tổ chức cờ bạc tại xã Thuận An. Tang vật thu được tại hiện trường hơn 4 triệu đồng.

Ngày 18/1, một người có tên là An thông qua mạng xã hội Facebook nhờ ông Lợi phanh phui vụ Công an huyện Đắk Mil nhận tiền chạy án tổng cộng 120 triệu đồng/6 người.

Ông Lợi đã thu thập chứng cứ chứng minh được 3 cán bộ đã đưa và nhận tiền chạy án gồm: trung uý Lãnh Thanh Bình (cán bộ trinh sát), thiếu tá Y’Nam (đội phó đội điều tra), trung uý Trần Thanh Hải (cán bộ điều tra) và một cán bộ đang công tác tại VKSND huyện Đắk Mil.

Ông Lợi còn gửi đến các cơ quan chức năng một số chứng cứ ghi âm, ghi hình, tin nhắn kèm nội dung ông tố trung uý Lãnh Thanh Bình đến nhà ông, đưa 200 triệu đồng “ làm quà” xin ông “tha cho”, nhưng ông từ chối. Trung úy B tiếp tục nhắn tin xin chi đậm số tiền lên đến 500 triệu đồng, nhưng ông Lợi từ chối.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó trưởng công an huyện Đắk Mil cho biết, sau khi nhận đơn tố cáo cơ quan này đã báo cáo lên lãnh đạo công an tỉnh, đồng thời tạm đình chỉ công tác 3 cán bộ liên quan.

“Quan điểm của lãnh đạo công an tỉnh và huyện là nghiêm khắc xử lý, không bao che dung túng, ai sai sẽ xử lý người đó”, Thiếu tá Hùng nói.

Theo thiếu tá Hùng, việc trung uý Bình được ông An nhờ “chạy án” là có. “An là bạn học, đã nhờ trung uý Bình giúp đỡ. Tuy nhiên, khi trung uý Bình đặt vấn đề thì bị thiếu tá Y’Nam từ chối vì vụ việc đã gần được đưa ra xét xử. Việc trung uý Bình đưa tiền để không bị tố giác là bị ông Lợi gài bẫy”, Thiếu tá Hùng khẳng định.

(Theo báo Tiền phong)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Hà Nội: Quyết ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang có nhiều diễn biến rất phức tạp, Hà Nội vừa là nơi tiêu thụ, vừa là nơi tập kết trung chuyển nhiều loại hàng hóa đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tập trung ở các mặt hàng có giá trị chênh lệch lớn. Trước thực trạng này, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đang là vấn đề được TP. Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và xử lý vi phạm.

Thủ đoạn tinh vi khó kiểm soát

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong tháng 2/2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 2.611 vụ, qua đó, xử lý 1.265 vụ. Cụ thể, đã xử lý 164 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 68 vụ kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và 1.033 vụ gian lận thương mại.

Lực lượng liên ngành kiểm tra bắt giữ hàng lậu tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội).

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho rằng, qua thực tiễn công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm cho thấy tình hình hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn biến phức tạp và nhức nhối. Hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành hàng. Các sản phẩm thường xuyên bị làm giả nhiều nhất là rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử... tập trung ở các mặt hàng có giá trị chênh lệch lớn.

Các lực lượng chức năng của Hà Nội đã có nhiều kế hoạch ra quân xử lý các vi phạm. Tuy nhiên khi nào các lực lượng đồng loạt ra quân thì các đối tượng chùng xuống, rồi đâu lại vào đó. Trước những biện pháp đấu tranh quyết liệt của các cơ quan chức năng thì các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi để đối phó. Thủ đoạn của các đối tượng thường là tập trung hàng hóa tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... hoặc một số địa bàn, tụ điểm của khu vực ngoại thành Hà Nội, rồi xé lẻ dùng các loại xe tải nhỏ, xe môtô tự chế, xe máy đưa hàng vào nội thành tiêu thụ. Các mặt hàng giả, hàng nhái cũng được chia nhỏ và cất giấu cùng các loại hàng hóa khác nhau hoặc các phương tiện khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Chế tài xử lý không đủ sức răn đe

Về vấn đề xử lý các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chi Cục trưởng QLTT Hà Nội chia sẻ: Thực tế hiện nay, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng trong đó có QLTT còn nhiều hạn chế. Chế tài xử lý hàng giả, hàng nhái còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều loại hàng hóa liên quan đến an toàn thực phẩm chưa có quy chuẩn nên khó cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, Hà Nội có địa bàn rộng, nhân lực cho công tác lại thiếu, dẫn đến khó kiểm soát hết tình hình.

Trước diễn biến phức tạp về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh nhằm hạn chế tối đa. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, mới đây ký ban hành Chương trình công tác năm 2016 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ quan trọng nhưng nhiều khó khăn, cần phải làm thường xuyên, liên tục, tập trung quyết liệt. Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội sẽ bám sát nhiệm vụ chính trị, tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai thực hiện một cách toàn diện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Theo đó, với sự chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2016, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường Thủ đô. Tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu, các tuyến đường giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng thường vận chuyển, tập kết hàng buôn lậu, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại buôn bán hàng hóa số lượng lớn. Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung điều tra, xử lý tại các địa bàn phức tạp như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, Sân bay quốc tế Nội Bài... không để tồn tại các điểm nóng về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả trên địa bàn.

Trần lâm

Vụ thảm án 6 người ở Bình Phước: Vũ Văn Tiến kháng cáo xin giảm án tử

Dân Trí dẫn thông tin từ luật sư Lê Văn Nam, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến (24 tuổi, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) - 1 trong 3 bị cáo gây ra vụ thảm án 6 người ở Bình Phước, cho biết, Tiến đã gửi đơn kháng cáo lên TAND cấp cao tại TP.HCM theo thủ tục xét xử phúc thẩm.

Trước đó, ngày 17/12, Vũ Văn Tiến và Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), kẻ chủ mưu và trực tiếp ra tay sát hại 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã bị HĐXX tuyên tổng mức án cho hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” là tử hình.

Luật sư Nam thông tin, sau khi bị tuyên tử hình cùng với Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến rất hối hận, muốn thoát khỏi tội chết để chuộc lỗi với gia đình các nạn nhân.

Tại phiên tòa sơ thẩm được đưa ra xét xử lưu động vào ngày 17/12, khi trả lời thẩm vấn của luật sư, vì sao khi chứng kiến Dương giết nhiều người, Tiến không truy hô hay chạy trốn, Tiến trả lời rằng bị Dương chi phối tinh thần. Thấy các nạn nhân bị chết oan uổng, Tiến tự thấy mình không oan nhưng ức vì đã bị Dương lôi kéo. Tiến liên tục khẳng định muốn sống, không đáng chết.

Bào chữa cho bị cáo Tiến, Luật sư Lê Văn Nam bày tỏ nhất trí với với VKS về hai tội danh về giết người, cướp tài sản. Tuy nhiên, Luật sư cũng đề nghị cần xem xét khách quan, hoàn cảnh, diễn biến tâm lý, gia đình nhân thân của bị cáo, nên cần thiết áp dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Theo luật sư, bị cáo Tiến bị Dương lôi kéo, khống chế tinh thần. Bị cáo Tiến đã ít nhất 5 lần khuyên bị cáo Dương quay về. Bên cạnh đó bị cáo Tiến không trực tiếp ra tay sát hại, không có kế hoạch, không biết mục đích giết người của bị cáo Dương. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét có cần thiết loại bị cáo Tiến ra khỏi xã hội hay không hay chỉ áp dụng hình phạt tù không thời hạn.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định, các bị cáo đã trên 18 tuổi, khi gây án có kế hoạch, thời gian chuẩn bị hung khí và ra tay một cách man rợ tàn độc. Xét tính chất của vụ án, hành vi của bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng của con người, các bị cáo đã cố tình tước đoạt mạng sống của 6 người một cách tàn độc. HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Dương tử hình về tội “Giết người”, 8 năm tù tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt 2 tội là tử hình. Bị cáo Vũ Văn Tiến bị tuyên phạt tử hình về tội “Giết người”, 7 năm tù tội “Cướp tài sản”, tổng hình phạt là tử hình.

(Theo VOV)

Ô tô nổ lốp chết 3 người: Thảm họa tàn ác

Kinh hoàng xe cán đinh

Chiếc xe tải chở đầy hàng đông lạnh chạy từ TP.HCM đi Bình Phước chiều 7/3, với tốc độ khá cao thì bị nổ lốp trước. Tài xế không làm chủ được tay lái, tông thẳng vào xe đầu kéo nằm bên trái lề đường, làm 3 người trên ca bin trong đó có lái xe tử vong ngay tại chỗ, còn ca bin xe biến dạng nát vụn.

Nguyên nhân nổ lốp được cơ quan chức năng nhận định là do cán phải đinh trên đường. Đây thực sự là nỗi kinh hoàng với tất cả lái xe khi chạy ô tô với tốc độ cao mà xe cán phải đinh, nhất là ở bánh trước.

Nhắc đến chuyện này, hầu hết lái xe đều không khỏi rùng mình, ngay cả những người có kinh nghiệm và chưa gặp lần nào.

Anh Nguyễn Văn Hiệp (Thanh Trì Hà Nội), chuyên lái xe tải tuyến Bắc - Nam nhiều năm nay, chia sẻ, lái xe đường dài có rất nhiều rủi ro, nhưng sợ nhất vẫn là chuyện xe bị nổ lốp. Nếu bị ở bánh sau còn đỡ, nếu dính phải bánh trước vô cùng nguy hiểm vì rất dễ bị lạc tay lái. Hãy cứ tưởng tượng lúc đó chiếc xe không thể điều khiển được nữa, có thể đâm vào bất cứ thứ gì ở phía trước.

“Vì vậy, mỗi lần chuẩn bị cho một chuyến đi, bao giờ tôi cũng phải kiểm tra xe rất kỹ càng, đặc biệt là bánh xe. Nếu thấy lốp có vấn đề, phải xử lý ngay lập tức để đảm bảo an toàn, anh Hiệp nói.

“Nhưng, cẩn thận đến mấy thì rất khó tránh khỏi rủi ro. Nạn rải đinh hoành hành khắp nơi khiến cánh lái xe lúc nào cũng lo nơm nớp. Có những chuyến đi, xe của tôi bị cán đinh tới 4 lần, may là toàn ở bánh sau và đang lưu thông với tốc độ chậm, nên không gây ra những hậu quả nặng nề”.

Quốc lộ 13 chạy theo hướng Nam - Bắc, bắt đầu từ ngã 5 Đài liệt sĩ (TP.HCM) qua Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh, đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) với tổng chiều dài 140,5 km. Con đường này có rất nhiều xe lớn lưu thông với tốc độ khá cao nên kẻ xấu rải đinh rất nhiều, nhất là đoạn đường thuộc quận Thủ Đức (TP.HCM), Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương)...

Trở lại với vụ tai nạn trên, nhiều lái xe không khỏi e ngại khi nhắc về nạn "đinh tặc" hoành hành trên quốc lộ 13. Anh Ngô Đình Trường, lái xe tải, thường chạy tuyến quốc lộ 13 và 14 nhận định, nếu không có người cố tình rải đinh, vật nhọn thì ở đâu ra vậy?

Trên thực tế, cơ quan chức năng đã từng bắt quả tang "đinh tặc" lộng hành trên quốc lộ 13. Sau 2 tháng cất công theo dõi, lúc 5h30` sáng 16/8/2010, các thành viên Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một) đã bắt quả tang Nguyễn Văn Công (20 tuổi) đang rải các miếng thép nhọn hình thoi. Kiểm tra Công và tại tiệm sửa xe, lực lượng còn thu giữ nhiều miếng thép nhọn cùng hàng chục chiếc ruột xe đã bị xé toạc do cán phải thép nhọn.

Công khai nhận được chủ tiệm sửa xe máy Đinh Văn Sáng ở 446 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một vào các giờ cao điểm sáng, trưa, chiều, Công được Sáng giao số thép nhọn rải trên đoạn đường cách tiệm khoảng 100m. Trung bình mỗi ngày có 30-40 người đi xe máy trở thành nạn nhân của nhóm "đinh tặc" này. Khi cán phải các miếng thép nhọn, các nạn nhân phải thay ruột mới với giá thay từ 50.000-60.000 đồng/chiếc. Trung bình mỗi ngày, Sáng thu lợi số tiền bất chính hơn 1 triệu đồng.

"Đinh tặc" hoành hành

Biết rõ hành vi rải đinh bẫy người đi đường sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, có khi chết người, nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên “đinh tặc” bất chấp tất cả. Xe ô tô nếu bị đinh cán xì hơi, phải tìm đến các cửa hàng vá xe bên đường, hoặc sử dụng dịch vụ di động do bọn "đinh tặc" lập ra để vá với giá cắt cổ, từ 50.000- 400.000 đồng/lỗ. Thậm chí, có người phải thay cả lốp xe với giá hàng triệu đồng.

Thu lợi lớn, lại khó bị phát hiện, bắt quả tang nên thời gian qua nạn "đinh tặc" đã tái diễn. Anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội săn bắt cướp Bình Dương, cho biết, có những tên "đinh tặc" bị theo dõi, từ lúc chỉ 2 bàn tay trắng, phải thuê mặt bằng để vá xe giờ đã mua được nhà. Có tên mua đến 2 căn nhà ngay tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, cũng từ tiền chặt chém người đi đường gặp nạn do rải đinh gây ra.

Hành vi của các đối tượng này đã gây thiệt hại nhiều vô kể cho ô tô và người tham gia giao thông. Khi xe bị thủng lốp, lái xe không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải dừng lại để khắc phục. Ngoài việc tốn kém tiền bạc, thời gian, nguy hiểm hơn là đe mạng đến tính mạng mình và người khác nếu xe bị nổ lốp bất ngờ khi đang chạy với tốc độ cao.

Ở không ít diễn đàn, cánh lái xe chia sẻ với nhau kinh nghiệm tránh bị cán đinh. Cách được nhiều lái xe tâm đắc nhất là tìm một chiếc xe tải, đi sau nó và giữ khoảng cách, có gắng đi trùng bánh xe bên phải vào vệt bánh xe tải phía trước, Nhờ xe tải lốp cứng, càn lướt sẽ dẹp hết đinh trên đường.

Trước kia là như vậy, nhưng giờ mọi chuyện đã khác. “Đinh tặc" đã đổi chiêu, rải đinh dày đặc và xe tải đang trở thành nạn nhân của chúng.

Tại nhiều tuyến quốc lộ, "đinh tặc" đã không còn dùng các loại đinh có kích thước nhỏ, nhằm vào các loại xe gắn máy như trước. Chúng sử dụng đinh, miếng thép có kích thước lớn khoảng 5cm x 6cm nhằm vào xe vận tải hàng hóa và các loại xe ôtô khác.

Chẳng hạn, tại Quốc lộ 51, một trong những địa điểm bị rải đinh dày đặc là đoạn qua xã Tam Phước, TP Biên Hòa. Tại đây, có thời điểm mỗi ngày người dân thu gom gần 10 kg đinh. Có chỗ 1m2 chỉ xuất hiện vài chiếc, nhưng cũng có điểm lên đến 50 chiếc đinh.

Khu vực phía Bắc thì cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hay Hà Nội- Lào Cai mới hoàn thành, nạn "đinh tặc" cũng hoành hành.

"Đinh tặc" thường rải đinh vào ban đêm, hoặc ngày mưa, rải nhiều vào cuối tuần, hoặc ngày lễ. Mỗi lần chúng rải từ 5-15 đinh, với đủ cách thức như bỏ vào bao thuốc hút xong rồi quăng xuống đường, giả vờ làm rơi đồ, bỏ trong túi quần rồi thả rơi từ từ,... nên rất khó bị phát hiện.

(Theo Vietnamnet)

Ngày thứ tư xét xử án tham nhũng tại Agribank Hà Nội: Các bị cáo vẫn đùn đẩy, chối tội

Làm rõ hành vi đề xuất nâng quyền phán quyết cho vay

Tại phần thẩm vấn của luật sư đối với bị cáo Phạm Thanh Tân (cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Agribank), theo tài liệu tố tụng, bị cáo Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với Công ty CP Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty CP Enzo Việt. Hậu quả hành vi này đã gây thiệt hại hơn 306 tỷ đồng. Bị cáo Tân đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách của TGĐ Agribank, ký trình HĐQT ban hành nghị quyết và thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng Agribank nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền giải ngân cho Công ty Liên doanh Lifepro vay bị giải ngân sai và bị chiếm đoạt trong giai đoạn giữ chức vụ TGĐ.

Bị cáo Phạm Thanh Tân – cựu TGĐ Agribank tại phiên xét xử.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thanh Tân cho biết, không phát hiện việc làm trái pháp luật của Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương để trình nâng mức phán quyết khi Công ty CP Enzo Việt hết hạn mức cho vay. Theo bị cáo, không có văn bản nào quy định giám đốc chi nhánh báo cáo TGĐ Agribank việc khách hàng đã hết hạn mức cho vay. TGĐ cũng không cần phải biết vấn đề này. Đối với việc có nghị quyết nâng quyền phán quyết cho vay, bị cáo Tân cho hay, đối với việc nâng quyền phán quyết do TGĐ trình lên, nhưng HĐQT không đồng ý thì TGĐ cũng không được quyền nâng mức phán quyết.

Trước đó, tại ngày thứ 3 của phiên xử, bị cáo Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, cựu Ủy viên HĐQT Agribank) đã dẫn hai Nghị quyết 62 và 77 của HĐQT Ngân hàng Agribank về việc nâng quyền phán quyết nhưng chi nhánh cam kết tự thu xếp nguồn vốn vay, và khẳng định rằng, cựu TGĐ Agribank đã điều hành không đúng với Nghị quyết của HĐQT. Phản pháo ý kiến trên, bị cáo Tân cho rằng TGĐ có quyền cho vay ngoài kế hoạch tuy nhiên để dành nội dung chi tiết cho phần tranh tụng.

Bị cáo cho rằng “chỉ sai phạm hành chính”

Trước đó, trong phần thẩm vấn nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, bốn cựu cán bộ hải quan bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến Nhà nước thất thu thuế nhập khẩu và gián tiếp tạo thuận lợi cho các bị can người nước ngoài có các bộ tờ khai hải quan làm hồ sơ chiếm đoạt tiền vay của Agribank. Tuy nhiên, trước tòa, tất cả các bị cáo đều cho rằng, mình chỉ thiếu sót về mặt hành chính, còn hậu quả là trách nhiệm của ngân hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thái, đại diện Agribank - nguyên đơn dân sự cho biết, dư nợ cả gốc và lãi của bốn Công ty Vietmade, Lifepro Việt Nam, Công ty Enzo Việt và LD Lifepro Việt Nam tính đến tháng 9/2012 là hơn 4.103 tỷ đồng (chưa trừ giá trị tài sản bảo đảm là 932 tỷ đồng). Theo tính toán, tổng thiệt hại của Agribank là gần 3.200 tỷ đồng.

Trả lời trước tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan cho rằng chỉ mắc sai sót về mặt hành chính hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cụ thể, Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn bị cáo Đỗ Thị Liên Hương (SN 1978, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây). Tại tòa, bà Hương cho rằng, việc thông quan gồm nhiều quy trình, bị cáo nhận sai phạm nhưng chỉ là sai phạm hành chính thôi. “Vì những thiếu sót từ các cán bộ hải quan đã giúp doanh nghiệp lừa đảo rồi bỏ trốn. Bị cáo có thấy sai không?”, Chủ tọa phiên tòa phân tích tiếp về những sai phạm theo quy định trong Luật Hải quan (Điều 25). Trả lời câu hỏi này, bị cáo Hương tỏ vẻ khá thoải mái, vừa cười vừa nói: “Dạ, chỉ là sai về hành chính thôi ạ”.

Xét hỏi bị cáo Hoàng Tuấn Khanh (SN 1973, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây, bị truy cứu về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”), HĐXX tập trung làm rõ hành vi thông quan có được coi là vi phạm pháp luật hay không. Trả lời trước tòa, bị cáo Khanh cho hay, việc làm thủ tục thông quan chỉ là “giấy đi đường” cho các doanh nghiệp. Theo Viện KSND Tối cao, mặc dù không đủ điều kiện cho thông quan theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng do nhận thức chủ quan đây là doanh nghiệp lớn, tiền nợ thuế không đáng kể nên Khanh vẫn cho phép thông quan. Từ đó, doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế 275 ngày, dẫn đến hậu quả không thu được số tiền thuế nhập khẩu cho ân hạn không đúng quy định hơn 62 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về nguyên nhân phạm tội, bị cáo Khanh cho rằng: “Bị cáo tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo chủ trương của ngành. Bị cáo không được hưởng lợi gì”.

Thế Vinh

Lật tẩy chiêu lừa giả danh giám đốc công ty xổ số

Thời gian gần đây xuất hiện chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách giả danh giám đốc công ty xổ số, các đối tượng lập nên một kịch bản hoàn hảo, dẫn dụ các bị hại vào “mê hồn trận”, mất phương hướng và đưa tiền cho chúng để chơi xổ số, số đề. Với chiêu bài này, các đối tượng đã lừa đảo thành công nhiều người, thậm chí chiếm đoạt được tiền tỷ.

Niềm tin đặt nhầm chỗ, mất ngay tiền tỷ

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an cho biết, một trong những bị hại của nhóm đối tượng trên là bà Nguyễn Thị T., một cán bộ về hưu, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội. Cụ thể, vào khoảng giữa năm 2015, có một người đàn ông giọng miền Nam gọi điện vào máy bà T., xưng tên là Tài, là người quen cũ, hỏi thăm cuộc sống của bà T. Theo lời của Tài thì hắn có quen “chú Ba” là giám đốc công ty xổ số, hiện công ty đang có chương trình làm từ thiện nên sẽ gửi tiền, cho số để người quen đánh số đề, sau khi trúng, khách hàng được hưởng 15% tổng số tiền trúng, số còn lại phải gửi lại cho công ty để ủng hộ người nghèo. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của Tài, bà T. trúng được hơn 30 triệu đồng. Lập tức, Tài gọi điện lại, yêu cầu bà T. gửi 28,5 triệu vào tài khoản của “công ty” để làm từ thiện. Sau khi trúng “đề” ngay lần đánh đầu tiên, bà T. rất tin tưởng vào nhóm Tài và “chú Ba”. Vì vậy, khi các đối tượng nói phải nộp 2 tỷ đồng đặt cọc để được cung cấp số chính xác hơn, người phụ nữ này dốc hết vốn được 1 tỷ đồng để chuyển cho công ty. Nhận được tiền, các đối tượng tiếp tục yêu cầu bà T. phải gửi đủ, nếu không sẽ... mất 1 tỷ đồng đã đưa trước. Lo sợ, bà T. phải đi vay mượn để chuyển cho các đối tượng. Nhưng sau đó, nhóm Tài và “chú Ba” đã mất hút.

Các đối tượng chính trong vụ án và tang vật bị cơ quan công an thu giữ.

Làm rõ đường dây lừa đảo

Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan CSĐT cho biết đã khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm Lê Văn Nguyên (SN 1968, trú ở quận 6, TP.HCM); Trần Phước Minh, (SN 1982, trú ở quận 11, TP.HCM); Đặng Thị Hồng Hà, (SN 1979, trú ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); Võ Văn Đầy (trú ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ kết quả điều tra và lời khai của các đối tượng, cơ quan CSĐT đã làm rõ Lê Văn Nguyên là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong việc lừa đảo chiếm đoạt 2 tỷ đồng của bà T. Nguyên cùng với Võ Văn Đầy bàn bạc cách thức đóng vai lãnh đạo công ty xổ số. Theo đó, Đầy sẽ lấy tên giả là Tài và chịu trách nhiệm khai thác “con mồi”, Nguyên đóng vai “chú Ba” còn Trần Phước Minh đóng vai thủ quỹ với tên giả là Hùng. Riêng  đối tượng Đặng Thị Hồng Hà là đầu mối nhận tiền chuyển qua tài khoản. Mở rộng điều tra, cơ quan công an cũng làm rõ, ngoài nhận tiền của bà T., Hà còn nhiều lần nhận tiền của bị hại khác trong những vụ việc do công an một số địa phương đang thụ lý.

Ngoài nhóm lừa đảo nêu trên, Cơ quan CSĐT cũng đã lật tẩy nhóm lừa đảo dưới hình thức tương tự gồm: Huỳnh Thanh Thảo (SN 1967, trú ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng); Thái Thanh Hùng (SN 1961, trú ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Thảo và Hùng cũng giả danh giám đốc công ty xổ số, qua đó chiếm đoạt của anh Nguyễn Văn P. (trú ở Bắc Giang) 23 triệu đồng.

Mặc dù đã dược cơ quan công án cảnh báo về hành vi lừa đảo này, nhưng nhiều người dân nhẹ dạ cả tin vẫn dễ dàng sập bẫy. Theo lời khai của các đối tượng thì sở dĩ một số người mà chúng cho số đã trúng vì mỗi ngày chúng gọi điện cho hàng trăm người, cho hàng trăm số nên trong hàng trăm số đó chắc chắn sẽ có người trúng. Điều này khiến cho nạn nhân tin tưởng, tiếp tục sa vào bẫy của chúng. Chính vì vậy, người dân cần nêu cao cảnh giác, nếu phát hiện có đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an.

Hà Thủy

Hơn 10 triệu bao thuốc lá nhập lậu bị tịch thu trong vòng hơn 1 năm qua

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Qua hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ hơn 9.600 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá nhập lậu, tịch thu hơn 10 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại (tăng 19% so với cùng kỳ), khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng (điển hình một số địa phương, lực lượng: Long An bắt giữ trên 2,2 triệu bao, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 1,5 triệu bao, An Giang hơn 1,2 triệu bao, Tây Ninh hơn 900.000 bao, Quảng Trị hơn 500.000 bao, lực lượng Công an bắt giữ hơn 6,5 triệu bao, Bộ đội Biên phòng hơn 1 triệu bao và hơn 16.000 kg lá thuốc lá, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển bắt giữ hơn 100.000 bao, lực lượng Hải quan bắt giữ hơn 700.000 bao, lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ hơn 1,4 triệu bao).

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất trong nước. Cấp ủy, chính quyền địa phương tại một số địa bàn trọng điểm chưa quan tâm đúng mức, chưa vào cuộc quyết liệt, thường xuyên trong chỉ đạo chống buôn lậu thuốc lá...

Lực lượng chức năng tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Nguồn ảnh: Vietnam+

Tình trạng thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn được bầy bán công khai ở nhiều nơi ở các địa phương trên cả nước và gia tăng về chủng loại với hàm lượng tar (nhựa thuốc lá), nicotine vượt mức cho phép nhiều lần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Trong năm 2016, tình hình buôn lậu thuốc lá được dự báo sẽ phức tạp khi giá bán thuốc lá điếu tăng do phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 70% từ ngày 01/01/2016 (tăng 5% so với hiện hành) và phải đóng góp 1,5% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá từ ngày 01/5/2016 (tăng 0,5% so với hiện hành).

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu chống buôn lậu thuốc lá

Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và chống buôn lậu thuốc lá nói riêng, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, tích cực vào cuộc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Phổ biến thường xuyên về các mặt nguy hại của thuốc lá nhập lậu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm các cư dân ở khu vực biên giới để không tham gia, tiếp tay buôn lậu thuốc lá.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu thuốc lá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác này.

Các lực lượng Hải quan, Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường chủ động, tích cực phối hợp và mở đợt cao điểm theo Kế hoạch số 218/KH-BCĐ389 ngày 01/12/2015 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 để tuần tra, kiểm soát, điều tra, bắt giữ các tổ chức, đường dây buôn lậu thuốc lá trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa (đặc biệt là tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để sớm đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án trọng điểm buôn lậu thuốc lá, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.

Đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nghiên cứu tăng mức hỗ trợ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nghiên cứu tăng mức hỗ trợ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Bích Vân