Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ngày thứ tư xét xử án tham nhũng tại Agribank Hà Nội: Các bị cáo vẫn đùn đẩy, chối tội

Làm rõ hành vi đề xuất nâng quyền phán quyết cho vay

Tại phần thẩm vấn của luật sư đối với bị cáo Phạm Thanh Tân (cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Agribank), theo tài liệu tố tụng, bị cáo Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với Công ty CP Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty CP Enzo Việt. Hậu quả hành vi này đã gây thiệt hại hơn 306 tỷ đồng. Bị cáo Tân đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách của TGĐ Agribank, ký trình HĐQT ban hành nghị quyết và thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng Agribank nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền giải ngân cho Công ty Liên doanh Lifepro vay bị giải ngân sai và bị chiếm đoạt trong giai đoạn giữ chức vụ TGĐ.

Bị cáo Phạm Thanh Tân – cựu TGĐ Agribank tại phiên xét xử.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thanh Tân cho biết, không phát hiện việc làm trái pháp luật của Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương để trình nâng mức phán quyết khi Công ty CP Enzo Việt hết hạn mức cho vay. Theo bị cáo, không có văn bản nào quy định giám đốc chi nhánh báo cáo TGĐ Agribank việc khách hàng đã hết hạn mức cho vay. TGĐ cũng không cần phải biết vấn đề này. Đối với việc có nghị quyết nâng quyền phán quyết cho vay, bị cáo Tân cho hay, đối với việc nâng quyền phán quyết do TGĐ trình lên, nhưng HĐQT không đồng ý thì TGĐ cũng không được quyền nâng mức phán quyết.

Trước đó, tại ngày thứ 3 của phiên xử, bị cáo Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, cựu Ủy viên HĐQT Agribank) đã dẫn hai Nghị quyết 62 và 77 của HĐQT Ngân hàng Agribank về việc nâng quyền phán quyết nhưng chi nhánh cam kết tự thu xếp nguồn vốn vay, và khẳng định rằng, cựu TGĐ Agribank đã điều hành không đúng với Nghị quyết của HĐQT. Phản pháo ý kiến trên, bị cáo Tân cho rằng TGĐ có quyền cho vay ngoài kế hoạch tuy nhiên để dành nội dung chi tiết cho phần tranh tụng.

Bị cáo cho rằng “chỉ sai phạm hành chính”

Trước đó, trong phần thẩm vấn nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, bốn cựu cán bộ hải quan bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến Nhà nước thất thu thuế nhập khẩu và gián tiếp tạo thuận lợi cho các bị can người nước ngoài có các bộ tờ khai hải quan làm hồ sơ chiếm đoạt tiền vay của Agribank. Tuy nhiên, trước tòa, tất cả các bị cáo đều cho rằng, mình chỉ thiếu sót về mặt hành chính, còn hậu quả là trách nhiệm của ngân hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thái, đại diện Agribank - nguyên đơn dân sự cho biết, dư nợ cả gốc và lãi của bốn Công ty Vietmade, Lifepro Việt Nam, Công ty Enzo Việt và LD Lifepro Việt Nam tính đến tháng 9/2012 là hơn 4.103 tỷ đồng (chưa trừ giá trị tài sản bảo đảm là 932 tỷ đồng). Theo tính toán, tổng thiệt hại của Agribank là gần 3.200 tỷ đồng.

Trả lời trước tòa, các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan cho rằng chỉ mắc sai sót về mặt hành chính hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cụ thể, Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn bị cáo Đỗ Thị Liên Hương (SN 1978, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây). Tại tòa, bà Hương cho rằng, việc thông quan gồm nhiều quy trình, bị cáo nhận sai phạm nhưng chỉ là sai phạm hành chính thôi. “Vì những thiếu sót từ các cán bộ hải quan đã giúp doanh nghiệp lừa đảo rồi bỏ trốn. Bị cáo có thấy sai không?”, Chủ tọa phiên tòa phân tích tiếp về những sai phạm theo quy định trong Luật Hải quan (Điều 25). Trả lời câu hỏi này, bị cáo Hương tỏ vẻ khá thoải mái, vừa cười vừa nói: “Dạ, chỉ là sai về hành chính thôi ạ”.

Xét hỏi bị cáo Hoàng Tuấn Khanh (SN 1973, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây, bị truy cứu về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”), HĐXX tập trung làm rõ hành vi thông quan có được coi là vi phạm pháp luật hay không. Trả lời trước tòa, bị cáo Khanh cho hay, việc làm thủ tục thông quan chỉ là “giấy đi đường” cho các doanh nghiệp. Theo Viện KSND Tối cao, mặc dù không đủ điều kiện cho thông quan theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng do nhận thức chủ quan đây là doanh nghiệp lớn, tiền nợ thuế không đáng kể nên Khanh vẫn cho phép thông quan. Từ đó, doanh nghiệp được hưởng ân hạn thuế 275 ngày, dẫn đến hậu quả không thu được số tiền thuế nhập khẩu cho ân hạn không đúng quy định hơn 62 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về nguyên nhân phạm tội, bị cáo Khanh cho rằng: “Bị cáo tạo điều kiện cho doanh nghiệp theo chủ trương của ngành. Bị cáo không được hưởng lợi gì”.

Thế Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét