Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Hà Nội: Quyết ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang có nhiều diễn biến rất phức tạp, Hà Nội vừa là nơi tiêu thụ, vừa là nơi tập kết trung chuyển nhiều loại hàng hóa đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tập trung ở các mặt hàng có giá trị chênh lệch lớn. Trước thực trạng này, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đang là vấn đề được TP. Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và xử lý vi phạm.

Thủ đoạn tinh vi khó kiểm soát

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong tháng 2/2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 2.611 vụ, qua đó, xử lý 1.265 vụ. Cụ thể, đã xử lý 164 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 68 vụ kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và 1.033 vụ gian lận thương mại.

Lực lượng liên ngành kiểm tra bắt giữ hàng lậu tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội).

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho rằng, qua thực tiễn công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm cho thấy tình hình hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn biến phức tạp và nhức nhối. Hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành hàng. Các sản phẩm thường xuyên bị làm giả nhiều nhất là rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử... tập trung ở các mặt hàng có giá trị chênh lệch lớn.

Các lực lượng chức năng của Hà Nội đã có nhiều kế hoạch ra quân xử lý các vi phạm. Tuy nhiên khi nào các lực lượng đồng loạt ra quân thì các đối tượng chùng xuống, rồi đâu lại vào đó. Trước những biện pháp đấu tranh quyết liệt của các cơ quan chức năng thì các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi để đối phó. Thủ đoạn của các đối tượng thường là tập trung hàng hóa tại các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... hoặc một số địa bàn, tụ điểm của khu vực ngoại thành Hà Nội, rồi xé lẻ dùng các loại xe tải nhỏ, xe môtô tự chế, xe máy đưa hàng vào nội thành tiêu thụ. Các mặt hàng giả, hàng nhái cũng được chia nhỏ và cất giấu cùng các loại hàng hóa khác nhau hoặc các phương tiện khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Chế tài xử lý không đủ sức răn đe

Về vấn đề xử lý các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chi Cục trưởng QLTT Hà Nội chia sẻ: Thực tế hiện nay, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng trong đó có QLTT còn nhiều hạn chế. Chế tài xử lý hàng giả, hàng nhái còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều loại hàng hóa liên quan đến an toàn thực phẩm chưa có quy chuẩn nên khó cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, Hà Nội có địa bàn rộng, nhân lực cho công tác lại thiếu, dẫn đến khó kiểm soát hết tình hình.

Trước diễn biến phức tạp về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh nhằm hạn chế tối đa. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, mới đây ký ban hành Chương trình công tác năm 2016 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ quan trọng nhưng nhiều khó khăn, cần phải làm thường xuyên, liên tục, tập trung quyết liệt. Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội sẽ bám sát nhiệm vụ chính trị, tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai thực hiện một cách toàn diện nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Theo đó, với sự chỉ đạo của UBND thành phố, năm 2016, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường Thủ đô. Tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu, các tuyến đường giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng thường vận chuyển, tập kết hàng buôn lậu, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại buôn bán hàng hóa số lượng lớn. Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung điều tra, xử lý tại các địa bàn phức tạp như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, Sân bay quốc tế Nội Bài... không để tồn tại các điểm nóng về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả trên địa bàn.

Trần lâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét