Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Dùng ống gang dẻo cho Dự án nước sông Đà giai đoạn II: Băn khoăn vấn đề chất lượng đường ống

Những ngày qua thông tin về việc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex- Viwasupco, đơn vị chủ đầu tư Dự án nước sông Đà giai đoạn II đã lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống gang dẻo cho dự án đã gây xôn xao dư luận. Đặc biệt, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về độ an toàn đối với một dự án liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người.

Khó kiểm định chất lượng

Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - chủ đầu tư dự án đã xác nhận Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) sẽ là nhà thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (Dự án nước sạch sông Đà giai đoạn 2). Được biết, việc lựa chọn vật liệu cho tuyến ống số 2 là loại ống gang dẻo của nhà thầu Trung Quốc có đường kính DN 1800 (ống 1,8m) sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 2531:2009 do Tư vấn thiết kế đề xuất và được Công ty Tư vấn độc lập thẩm tra và được Bộ Xây dựng thẩm định cũng như Hội đồng quản trị Công ty Viwasupco phê duyệt. Cụ thể các tiêu chuẩn được áp dụng đối với loại ống này gồm: lớp phủ xi măng bên trong, lớp phủ kẽm, phủ bitum phủ bên ngoài ống hay lớp phủ epoxy cho phụ kiện...

Việc dùng ống gang dẻo trong Dự án nước sông Đà giai đoạn II đang gặp phải nhiều băn khoăn, lo ngại.

Phân tích những yếu tố trên, TS. Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, ống gang dẻo được phủ bên trong và bên ngoài bằng nhiều loại vật liệu khác nhằm mục đích bảo vệ chống ăn mòn. Bên trong nơi tiếp xúc với nước thường được phủ bằng lớp vữa xi măng hoặc lớp epoxy dày đến 5mm. Bên ngoài ống thường được phủ một lớp phun kẽm và nhựa bitum dày vài chục micromet. Việc sử dụng phủ lớp xi măng bên trong đường ống thì rất rẻ, nhưng để có thể kiểm định được chất lượng độ bền lâu dài của lớp phủ này thì rất khó, điều này chỉ phụ thuộc vào trình độ, công nghệ và cái tâm của nhà sản xuất. Quan trọng ở đây là lớp phủ bên trong - nơi tiếp xúc với nước có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu lớp phủ không được làm bằng những loại vật liệu đảm bảo chất lượng.

Theo ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), các cử tri Hà Nội, đặc biệt là các cử tri làm việc có liên quan đến nghiên cứu khoa học đã bày tỏ lo lắng và bức xúc với bà rất nhiều. Rất nhiều yếu tố được các cử tri đề cập, nhưng có 3 vấn đề quan trọng nhất được nhấn mạnh: Thứ nhất, đó là sự an toàn với nguồn nước, có thể đảm bảo được yếu tố này 5 năm, 10 năm sau hay không? Để đánh giá được việc này, nếu gửi mẫu đường ống thì cũng chỉ là một mẫu tượng trưng, còn đường ống này dài đến cả chục km, thì ai sẽ kiểm chứng. Ai sẽ khẳng định mẫu được gửi đi xét nghiệm đồng nhất với cái mẫu hạ xuống đất, đó là vấn đề vô cùng quan trọng. Đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ việc này, đặc biệt là các cơ quan khoa học phải vào cuộc.

Dùng ống nhựa tốt hơn nhiều

Liên quan đến vấn đề đại diện của Vinaconex khẳng định các dự án cấp nước đều sử dụng ống gang dẻo, trong phạm vi cả nước thì có tới 97% sử dụng loại ống này và đều được phía Trung Quốc cung ứng, TS. Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN và Quản lý TP.HCM khẳng định thông tin này không có căn cứ. Theo TS. Nguyễn Bách Phúc, thời chưa có nhựa, thế giới dùng ống gang, kẽm... nhưng đó là chuyện trước đây. Khoảng vài chục năm nay, trên thế giới chủ yếu dùng đường ống nhựa và chỉ dùng ống gang thép trong những trường hợp đặc biệt như nhiệt độ hoặc áp suất quá cao. Tại TP.HCM dùng ống nhựa lớn, đường kính 630mm. Khi lưu lượng nước lớn hơn thì đặt thêm nhiều ống song song, hoặc đặt mua ở nước ngoài loại ống với đường kính lớn hơn. Ngoài các ống lớn, các đường ống đi từ trung tâm phân phối tỏa ra khắp thành phố, đến tận từng gia đình toàn bộ đều là ống nhựa hết. Theo ông Phúc, ai đó nói rằng 97% cả nước dùng ống gang là hoàn toàn không đúng, không có căn cứ. Bên cạnh đó, TS. Phúc khẳng định tính ưu việt của ống nhựa TP.HCM đang dùng so với ống gang, đó là, ống nhựa bền, rẻ, nhẹ, an toàn (không han gỉ).

Đề cập đến vấn đề chất lượng đường ống nước, GS. Nguyễn Trọng Giảng - chuyên gia luyện kim, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chúng ta luôn phải cảnh giác vì đường ống dẫn nước là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Rất có thể có một số yếu tố nào đó không có lợi cho sức khỏe thì điều này hết sức nguy hiểm, hàm lượng chì có thể có, hàm lượng một số chất phóng xạ khác có thể có. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có một quá trình kiểm định hết sức chặt chẽ, không nên tiếc tiền với những công trình liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

H. Phong - Ngọc Đỗ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét