Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nhà báo: Ðối tượng gây án manh động, dã man

Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc các nhà báo bị hành hung dã man khi trên đường tác nghiệp. Những vụ tấn công nhà báo đang khiến dư luận và bản thân những người cầm bút chân chính cảm thấy bất an. Đây chính là sự thách thức, coi thường pháp luật của những đối tượng gây án, cũng cho thấy sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo chân chính.

Nhà báo liên tiếp bị hành hung

Mới đây nhất, vào ngày 23/3 đã xảy ra vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (SN 1976, công tác tại Báo Lao Động) - một trong những nhà báo chuyên viết các bài phóng sự điều tra - đã bị một nhóm côn đồ hành hung dã man khi đang trên đường đi tác nghiệp. Liên quan đến vụ việc này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP. Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin trình báo từ báo Lao Động về việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung. Hiện PC45 đang phối hợp với Công an quận Hoàng Mai thu thập chứng cứ, xác minh điều tra làm rõ vụ việc. Làm việc với cơ quan công an, nhà báo Hoàng cho biết không hề quen biết hay có mâu thuẫn gì với những người hành hung mình. Theo nhà báo Hoàng, thời gian gần đây anh liên tục bị một số người nhắn tin đe dọa, thuê đầu gấu trả thù... vì đã tìm hiểu và viết một số bài điều tra.

Một số nhà báo bị hành hung trong thời gian gần đây.

Cách vụ việc này không lâu, vào ngày 18/3, anh Nguyễn Quang Hải - Phóng viên VTCnews - đang tác nghiệp tại đoạn trước số 20 phố Láng Hạ thì bị một số nhân viên nhà hàng Queen Bee chửi bới, kéo vào ngõ 22 Láng Hạ đánh, giật điện thoại và xóa hết tư liệu. Sau đó những người này còn đưa phóng viên vào quán cà phê đe dọa, đánh vào đầu. Cho đến khi có công an tới hiện trường, anh Hải mới được giải cứu.

Trước đó, vào ngày 4/9/2015, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Thời sự Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tỉnh Thái Nguyên cũng là nạn nhân của một nhóm đối tượng lạ mặt truy sát. Theo đó, anh Quang cùng vợ đang đi xe ôtô mang BKS 97H-27xx hướng Đồng Hỷ - TP. Thái Nguyên, khi đến khu vực cầu Gia Bảy, bất ngờ có 2 đối tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chặn xe. Sau đó, 2 đối tượng này đã cầm búa đinh và dao đập cửa kính ôtô bên ghế lái và dùng dao chém tới tấp vào người khiến anh Quang bị thương nặng. Sau 4 tháng vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt được Phạm Anh Huy (24 tuổi, trú xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) - nghi can chủ mưu trong vụ truy sát nhà báo Nguyễn Ngọc Quang.

Ngang nhiên thách thức pháp luật

Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng hành hung mới đây, cùng với liên tiếp các vụ việc xảy ra trước đó cho thấy, đây chính là sự thách thức coi thường pháp luật của những đối tượng gây án, cũng cho thấy sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo chân chính. Liên quan đến vụ việc hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh phân tích, hành vi phạm tội của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này, trong trường hợp tỷ lệ thương tích phải từ 11% trở lên hoặc trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 104. Như vậy, việc xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo Hoàng là rất quan trọng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định hình phạt đối với các đối tượng phạm tội. Trong vụ việc này, nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng dưới 11% thì các đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết “có tính chất côn đồ”.

Thực tế đã có nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gây thương tích trên địa bàn cả nước thời gian qua, nhưng mức độ xử lý còn chưa nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, chưa tương xứng với hành vi, qua đó thiếu sự răn đe đối với các đối tượng cản trở hoạt động của nhà báo qua việc hành hung gây thương tích, xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhà báo. Vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là các ngành, cơ quan chức năng cần bổ sung những chế tài, điều luật nghiêm khắc, đủ mạnh, đủ tính răn đe đối với các đối tượng có hành vi hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp, góp phần tích cực trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, hành nghề đúng quy định của pháp luật.

H.Phong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét