Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Tội phạm lừa đảo qua internet: Cảnh báo đã nhiều, vẫn “dính bẫy”?!

Có lẽ chưa khi nào tội phạm sử dụng mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội lại nhiều như hiện nay. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ thì các thủ đoạn của tội phạm lại càng đa dạng và tinh vi hơn, thâm nhập đời sống dân sinh để lừa đảo dưới mọi hình thức - chiêu trò - mánh khóe trên tất cả bình diện. Ðiều đáng nói, mặc dù các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo nhưng nhiều người vẫn liên tiếp dính bẫy.

1001 thủ đoạn lừa đảo

Trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã liên tiếp xác minh, điều tra, triệt phá các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với nhiều thủ đoạn mới, đặc biệt là thực trạng dùng mạng xã hội để lừa đảo. Cụ thể, đối tượng gây án là người nước ngoài thường sử dụng facebook để làm quen các phụ nữ đơn thân. Sau nhiều tháng trò chuyện, đối tượng đề nghị tặng cho bị hại những đồ vật có giá trị như tiền, dây chuyền, ĐTDĐ qua chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, chúng cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan, cơ quan thuế, sân bay hoặc công ty chuyển phát nhanh gọi điện cho bị hại thông báo lô hàng chuyển từ nước ngoài về đang bị tạm giữ. Nếu muốn nhận lại, bị hại phải nộp các khoản tiền chuyển phát nhanh, tiền thuế các tài khoản do chúng cung cấp. Trong tháng 10 vừa qua, Công an Quảng Ngãi cũng đã triệt phá đường dây lừa đảo qua facebook của nhóm người nước ngoài, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các phụ nữ Việt Nam. Theo điều tra ban đầu, cuối tháng 7, người đàn ông xưng tên Alfred Bailey (42 tuổi, quốc tịch Mỹ) kết bạn qua facebook với chị Thủy (ngụ TP. Quảng Ngãi). Công an Quảng Ngãi xác định, người đàn ông gốc Negiria (mở thẻ ATM, thẻ Visa ở Maylaysia) lập facebook cấu kết với khoảng 5 cô gái Việt Nam tham gia đường dây lừa đảo này. Cơ quan công an cho biết có ít nhất 12 phụ nữ ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh và Quảng Ngãi bị nhóm người nước ngoài kết bạn qua facebook, lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng bị cơ quan công an bắt giữ.

Đáng lo ngại, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang ngày càng phát triển với các thủ đoạn đa dạng, tinh vi hơn. Đa phần người dân bị lừa đảo là do lòng tham và sự thiếu hiểu biết. Từ việc nạp thẻ mua hồ sơ để nhận giải xe máy hoặc tiền mặt đến chiêu trò hack nạp thẻ điện thoại di động, tống tiền qua điện thoại. Trên mạng internet còn xuất hiện một nhóm đối tượng chuyên lập các website, kho ứng dụng cho điện thoại di động, máy tính bảng có nội dung khiêu dâm. Từ đó chúng phát tán link trên các mạng xã hội nhằm lừa người sử dụng click vào để chiếm đoạt tiền của họ. Sau khi được cảnh báo, các nội dung khiêu dâm bị xóa bỏ trên các kho ứng dụng, tội phạm lại biến thể sang các trò lừa đảo mới như việc tạo ra các trò chơi với hình dạng bên ngoài bình thường có tiêu đề rất “hot” để câu khách, song tiềm ẩn bên trong lại chứa các mã độc có khả năng gửi tin nhắn về tổng đài để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người sử dụng. Nguy hiểm hơn, có những mã độc có thể đánh cắp được các dữ liệu như ảnh, video, danh bạ, tin nhắn, thông tin về tài khoản facebook, email, tài khoản ngân hàng...

Tăng cường cảnh giác

Có thể thấy, hiện nay internet, cũng như các mạng xã hội như facebook, twitter... là một mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm công nghệ cao, sử dụng khả năng công nghệ thông tin để kiếm lợi bất chính. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này ngày một đa dạng và tinh vi, đòi hỏi người sử dụng internet và mạng xã hội cần tăng cường cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình. Thượng tá Ngô Minh An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người sử dụng mạng internet, mạng viễn thông cần hết sức chú ý khi làm quen, kết bạn trên mạng cũng như các hoạt động chuyển tiền, tránh trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ, cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác.

Liên quan đến thực trạng này, Đại tá Hồ Sỹ Niên, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, rất nguy hiểm khi hiện nay một số đối tượng người nước ngoài còn móc nối với đối tượng Việt Nam sử dụng mạng viễn thông giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại. Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng công an đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, những địa bàn trọng điểm cũng như các phương thức, thủ đoạn của tội phạm để có biện pháp phòng, chống. Phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cả nước đã phát hiện, xác minh và phối hợp điều tra gần 1.500 vụ việc. Trong đó riêng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phát hiện, xác minh gần 1.000 vụ, thu hồi hơn 100 tỷ đồng và hàng ngàn máy tính, máy móc chuyên dụng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Những rủi ro mất an ninh, an toàn internet, viễn thông và nguy cơ từ tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn luôn hiện hữu. Bên cạnh việc đấu tranh của lực lượng công an, thiết nghĩ người dân cần nâng cao nhận thức của xã hội về thủ đoạn và tính nguy hiểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao để phòng ngừa.

Thế Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét