Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Vui buồn sau lời xin lỗi

Phải thừa nhận rằng đông đảo người dân đều cảm thấy vui và ấm lòng khi có sự kiện hiếm hoi là  Sở Du lịch TP.HCM cùng công an, chính quyền phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã có lời xin lỗi với nữ du khách bị cướp hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân. Vui hơn nữa là có cả một doanh nghiệp đã tài trợ chỗ ăn ở cùng chuyến du lịch miễn phí cho vị du khách này. Có thể nói, đôi nam nữ du khách trên đã gặp… may trong cái rủi. Tuy nhiên, đây là điều không du khách nào mong muốn và người dân quan tâm rằng sau đây, chính quyền sẽ có những kế hoạch nào để hạn chế tối đa những sự cố như vậy…

Trong rủi có… “may”

Trước đó, nữ du khách Alaa Aldoh (người Ai Cập) đến Việt Nam với dự định sẽ đi nhiều nơi như: Huế, Quảng Bình, Sa Pa, Cát Bà, Hà Nội... Tuy nhiên, ngay tại điểm đầu tiên đặt chân là TP.HCM thì cô đã bị cướp mất túi xách cùng tất cả tiền bạc, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Cô Alaa Aldoh cho biết đã đi du lịch 10 quốc gia và đây là lần đầu tiên cô mất tài sản.

Nữ du khách đã rất vui vẻ và thoải mái sau khi nhận được lời xin lỗi và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Cũng cần nói thêm rằng, trường hợp của nữ khách trên được chính quyền địa phương và ban ngành liên quan tổ chức xin lỗi, được một doanh nghiệp tài trợ nốt chuyến du lịch dang dở sau khi bị cướp giật quả là… may mắn. Trường hợp của cô đã gây nóng mạng xã hội cũng như dư luận nhân dân, được đích thân Bí thư Thành ủy TP.HCM đ  ưa ra và yêu cầu các đơn vị, ban ngành liên quan cần có lời xin lỗi đến cô.

Thực tế cho thấy, đây không phải vụ việc hiếm hoi một du khách gặp nạn cướp giật, trộm cắp. Bằng chứng là trong cuộc họp về siết chặt kỷ cương trong ngành du lịch sau một số vụ lùm xùm, giữa Sở Du lịch TP.HCM với lãnh đạo thành phố, ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM, điều họ lo sợ nhất là tình trạng cướp giật và an toàn giao thông. Cũng theo ông Khánh, trong năm 2015, Sở nhận được công hàm từ đại diện các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản… Trong số này, Nhật Bản có 83 trường hợp, Australia 73, Đài Loan (Trung Quốc) 80, Hàn Quốc 10. Đồng thời họ cũng tỏ ra rất quan ngại về tình trạng trên.

Mong không cần những lời xin lỗi

Theo Alaa Aldoh, để giảm cướp giật, TP.HCM nên gắn camera trên những con đường có nhiều khách du lịch vì nó hữu ích giúp cảnh sát dễ truy tìm tội phạm khi có cướp. “Ngoài ra, cần có những hướng dẫn ngay tại sân bay để du khách biết thêm về những nguy hiểm có thể xảy ra ở đất nước mình sẽ tham quan. Cảnh sát cần nhiều người biết tiếng Anh để hỗ trợ khách du lịch”.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM đạt con số hơn 4 triệu lượt, chiếm hơn 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện toàn thành phố có 949 doanh nghiệp lữ hành, hơn 2.000 cơ sở lưu trú phục vụ du khách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, ngành du lịch thành phố vẫn còn tồn tại một số bất cập về an ninh trật tự du lịch như tình trạng cướp giật, chèo kéo, đeo bám du khách, thu quá cước taxi, nâng giá sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa; còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin sản phẩm dịch vụ du lịch và hỗ trợ khách du lịch khi đến tham quan TP.HCM.

Riêng với địa bàn quận 1 (là quận trung tâm, có nhiều khu phố Tây), hầu như ngày nào công an phường cũng nhận được trình báo của du khách về việc bị cướp giật. Theo đại diện Công an quận 1, trong năm 2015, địa bàn quận 1 xảy ra 345 vụ phạm pháp hình sự, trong đó cướp giật tài sản là 109 vụ (chiếm 32,59%), trộm cắp là 177 vụ (chiếm 51,3%)… Trong số 109 vụ cướp giật thì có 55 vụ là cướp giật tài sản có nạn nhân là công dân mang quốc tịch nước ngoài.

Theo đại diện Sở Du lịch TP.HCM, những nước như Thái Lan và Lào đã thành lập cảnh sát du lịch với đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ, trang thiết bị, đào tạo kỹ năng du lịch… trong khi TP.HCM là điểm hấp dẫn với du khách nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được cảnh sát du lịch.

Thành phố cũng từng đồng ý giao cho thanh niên xung phong tổ chức lực lượng hỗ trợ du khách. Lực lượng này đã có gần 250 thành viên và tổ chức phối hợp cùng công an tại các điểm du lịch, thực hiện tuần tra, chốt, hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế bởi ngành du lịch TP.HCM cho rằng để giải quyết căn cơ vấn đề này thì cần phải có lực lượng cảnh sát du lịch giống một số nước trong khu vực như Thái Lan, Lào… và nhiều nước trên thế giới đã làm.

Người dân mong rằng sẽ không còn những lời xin lỗi và những giọt nước mắt buồn bã của du khách nữa, mà tình hình an ninh trật tự trên toàn thành phố được kiểm soát tốt, cả du khách và người dân sống trên địa bàn cảm thấy yên tâm khi đi lại trên đường mới là điều cần thiết. Và điều này đòi hỏi nỗ lực của cả lực lượng công an, chính quyền các địa phương cũng như Sở Du lịch thành phố.

Hoàng Lê

0 nhận xét:

Đăng nhận xét